Giữ gìn môi trường sạch đẹp tưởng chừng như là một vấn đề đơn giản nhưng thật ra lại tương đối khó khăn vì mỗi cá nhân đều là một nhân tố có thể khiến các nguồn đất, nước và không khí hiện nay bị ô nhiễm. Thêm vào đó, để việc bảo vệ môi trường đạt được kết quả khả quan nhất, cần có sự phối hợp chặt chẽ của người dân và Nhà nước. Các giải pháp bảo vệ môi trường có thể kể đến như:
1. Tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân
Bên cạnh các nhân tố tự nhiên như: mưa, lũ, gió,…thì con người chính là nguyên nhân lớn nhất khiến môi trường bị ô nhiễm. Hoạt động sản xuất công nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi và cả những sinh hoạt thường ngày như nấu nướng đã và đang góp phần khiến vấn đề này ngày một nghiêm trọng hơn. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền, trường học,…cần tăng cường hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân. Bằng việc thực hiện các hành động đơn giản sau đây, chúng ta đã góp phần bảo vệ môi trường sống của chính mình:
– Bỏ rác đúng nơi quy định.
– Phân loại rác trước khi vứt.
– Sử dụng xăng sinh học.
– Tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời và gió.
– Không tự ý đốt rác thải bừa bãi.
– Hạn chế sử dụng túi nilon.
– Dùng xe đạp, phương tiện công cộng thay vì xe máy, xe ô tô.
– Trồng cây xanh, bảo vệ rừng.
– Sử dụng các nguyên liệu tái chế.
– Tiết kiệm giấy.
– Sử dụng những sản phẩm khoa học tiến bộ có tính năng bảo vệ môi trường.
– Xử lý chất thải công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt đúng quy định.
2. Hoàn thiện hệ thống Pháp luật về môi trường
Bên cạnh ý thức của mỗi cá nhân thì Nhà nước cũng cần phải chung tay bảo vệ môi trường bằng cách: Hoàn thiện hệ thống Pháp luật về môi trường sao cho rõ ràng, cụ thể; Đưa ra các hình thức xử phạt mạnh tay, đủ để răn đe tất cả mọi người; Đưa ra các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với thời đại; Khắc phục những thách thức trong quá trình bảo vệ môi trường;….
3. Chú trọng quy hoạch khu công nghiệp, làng nghề đô thị
Ở nhiều thành phố, chẳng hạn như Hà Nội, có các làng nghề tập trung gần khu dân cư, gây ra nhiều vấn đề về môi trường, đe dọa đến sức khỏe của người dân. Nhà nước cần quy hoạch các làng nghề cũng như nhà xưởng sản xuất công nghiệp thành một cụm riêng. Trong đó, các cụm công nghiệp này cần phải đảm bảo: Cách xa khu vực đông dân cư; Được trang bị hệ thống xử lý chất thải đúng quy định; Thường xuyên lập báo cáo định kỳ về việc xử lý chất thải của doanh nghiệp, làng nghề. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền về môi trường cũng cần phải tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá để đảm bảo các cơ sở sản xuất hoạt động theo đúng quy định.
Không chỉ riêng các làng nghề hay xí nghiệp mà vấn đề bảo vệ môi trường ở đô thị cũng cần được đầu tư, chú trọng, thông qua việc: Có hệ thống thu gom và xử lý rác thải đúng quy định; Địa phương thường xuyên lập báo cáo về tình hình môi trường, kết quả thực hiện với cơ quan có thẩm quyền; Tăng cường kiểm tra, đánh giá ở các địa phương.
4. Chú trọng đến các dự án đầu tư
Mỗi một dự án đầu tư cần được Nhà nước xem xét, thẩm định và đánh giá tác động đối với môi trường trước khi cấp phép xây dựng. Việc thẩm định phải mang tính công bằng và đảm bảo lợi ích trước mắt cũng như về lâu dài. Ngoài ra, cơ quan ban ngành cũng nên tạo điều kiện để người dân, tổ chức được tham gia đóng góp ý kiến về vấn đề xây dựng các dự án trước khi quyết định cấp phép.
Nguồn: http://vnnews24h.net
Sưu tầm: Thanh Hòa